Google xác nhận vào hôm thứ 2 rằng họ đã kết thúc Google Station – chương trình cung cấp Wi-Fi miễn phí tại hơn 400 nhà ga ở Ấn Độ và "hàng ngàn" địa điểm công cộng khác trên thế giới. Gã khổng lồ tìm kiếm đã phải hợp tác với nhiều đối tác khi thực hiện chương trình này.
Caesar Sengupta, Phó chủ tịch mảng thanh toán và hàng tỉ người dùng tiếp theo tại Google, cho biết rằng chương trình này, ra mắt vào hồi 2015, đã giúp hàng triệu người dùng lướt internet – lần đầu đối với nhiều người – và không lo lắng về lưu lượng dữ liệu mà họ sử dụng. Nhưng khi giá dữ liệu di động đã trở nên rẻ hơn tại nhiều thị trường, kể cả Ấn Độ, Google Station không còn cần thiết nữa, ông xác nhận. Công ty đã lên kế hoạch ngừng chương trình này trong năm nay.
Ngoài ra, Google cũng gặp khó khăn trong việc tìm một mô hình kinh doanh bền vững để mở rộng chương trình. Gã khổng lồ này cho hay, trong những năm gần đây, họ đã cố gắng mở rộng Station đến với Indonesia, Mexico, Thái Lan, Nigeria, Phillipines, Brazil và thậm chí là Việt Nam. Google cũng mới vừa triển khai chương trình này ở Nam Phi chỉ 3 tháng trước.
Trong những năm qua, Google cũng đã khám phá ra nhiều cách kiếm tiền từ chương trình Station. Chẳng hạn, công ty đã bắt đầu hiển thị quảng cáo khi người dùng đăng nhập vào để kết nối với dịch vụ internet của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn vào hồi đầu năm ngoái, Gulzar Azad, người dẫn đầu trong các nỗ lực đưa kết nối đến Ấn Độ của Google, xác nhận rằng công ty đang suy nghĩ về cách mở rộng Station đến nhiều thị trường hơn, nhưng cũng lưu ý rằng Google đã đạt được mục tiêu triển khai chương trình này tại 400 nhà ga đường sắt ở Ấn Độ.
Một năm sau khi Google công bố những nỗ lực của mình nhằm cung cấp Wi-Fi miễn phí tại Ấn Độ, người giàu nhất nước này, Mukesh Ambani, đã ra mắt mạng lưới viễn thông Reliance Jio của riêng mình. Jio cung cấp cho khách hàng một lượng lớn dữ liệu 4G miễn phí trong thời gian dài, buộc các nhà khai thác viễn thông khác phải cắt giảm thuế quan của mình.
Động thái này đã giúp đưa internet đến hàng triệu người Ấn Độ, bởi đối với nhiều người, việc truy cập vào internet quá đắt đỏ. Trong một cuộc phỏng vấn riêng, trangTechCrunchđã hỏi Azad liệu mức độ liên quan của Google Station có giảm đi phần nào vì sự gia nhập của Reliance Jio hay không. Tại thời điểm đó, ông cho biết, vẫn có nhiều người đăng ký chương trình của công ty và họ đã cho thấy một lượng tiêu thụ dữ liệu đồ sộ.
Google đã hợp tác với một số công ty để mang Wi-Fi miễn phí đến cho người dùng ở những nơi công cộng. Ví dụ, ở Ấn Độ, Google xây dựng kho phần mềm, trong khi RailTel, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông thuộc sở hữu nhà nước, lại cung cấp đường truyền internet miễn phí.
RailTel cung cấp Wi-Fi tại hơn 5.600 nhà ga và trong nhiều năm qua, họ đã tự phát triển khả năng cung cấp kho phần mềm của riêng mình. "Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác của mình nhằm chuyển đổi các trang hiện có để họ vẫn có thể duy trì nguồn tài nguyên hữu ích cho cộng đồng", Sengupta cho hay.
TechCrunchđã liên hệ với người phát ngôn của RailTek để kiểm tra xem liệu công ty này có kế hoạch cung cấp Wi-Fi trong 400 nhà ga tàu mà họ đã hợp tác với Google hay không. Câu trả lời của RailTel khẳng định vẫn sẽ tiếp tục phục vụ Wi-Fi miễn phí trong tất cả các nhà ga đó. "Chúng tôi chân thành đánh giá cao sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được từ Google trong hành trình này", người đại diện của RailTel bổ sung thêm.
"Thách thức thay đổi các yêu cầu kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng giữa những đối tác của chúng tôi trên khắp các quốc gia cũng khiến cho Station khó mở rộng và duy trì bền vững, đặc biệt là đối với những đối tác của chúng tôi. Và khi đánh giá nơi có thể thực sự tạo ra tác động trong tương lai, chúng tôi lại thấy nhu cầu và cơ hội lớn hơn trong việc xây dựng các sản phẩm và tính năng phù hợp nhằm hoạt động tốt hơn cho thị trường tỉ người dùng tiếp theo", Sengupta cho hay.
Google không phải là gã khổng lồ công nghệ duy nhất cung cấp internet miễn phí đến người dùng tại những thị trường đang phát triển. Internet.org của Facebook cũng đã ra mắt tại Ấn Độ vào năm 2017, nhưng lại bị cấm do vi phạm các quy định về tính trung lập Internet (Net neutrality).
Theo VNReview